>>>Debate

GIAO ĐIỂM

Unicode Standard<<<

.......... .
 

Lại trả lời thư của Bác sĩ Trần Văn Tích (2)

Xin cám ơn Bs Trần Văn Tích một lần nữa. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này bàn thêm vài điều trong lá thư mà Bs Tích gửi tôi, nhưng trước hết xin có vài lời minh xác.

Xin nói ngay rằng bài viết của tôi đặt vấn đề về các dữ kiện chung lãnh thổ biên giới mà báo chí ngoài này cho rằng đã mất về phía Trung Quốc. Vấn đề mà tôi đặt ra ở đây là những dữ kiện đằng sau của việc mà chúng ta, những người Việt hải ngoại, cho rằng Việt Nam đã "mất đất" qua hai hiệp ước mà CSVN đã kí với TQ. Cụ thể những điểm mà tôi muốn nêu lên là:

  1. Con số 789 km2 mà Trần Đại Sỹ công bố (hay có người trong nước nói, 720 km2) bị "mất" đã được tính toán như thế nào?
  2. Có phải cây số 0 đã dời sâu vào VN 5km như Trần Đại Sỹ nói?
  3. Có phải Ải Nam Quan là thực sự của Việt Nam?
  4. Chúng ta có thể chấp nhận việc Pháp phân chia 2/3 thác Bản Giốc cho TQ ngày xưa (thế kỷ 19) không? Nếu không, tại sao? Nếu chấp nhận, tại sao?

Có người sẽ hỏi tôi "Tại sao đặt vấn đề?" Để trả lời câu hỏi này, tôi phải hỏi lại: "Tại sao không đặt vấn đề?" Trên thế giới này không có một đề tài cấm kỵ nào, từ lịch sử đến thông tin, để chúng ta không có quyền đặt vấn đề. Ngay cả những lý thuyết khoa học cũng cần phải có phản biện (falsification). Một thuyết mà không có phản biện thì thuyết đó phi khoa học. Thế thì có lý do gì không cho chúng ta hỏi những câu hỏi trên? Tôi tin là không có lý do chính đáng nào cả. Cho đến nay, tôi chưa thấy một bằng chứng nào đáng tin cậy để làm cơ sở cho những phát biểu trên.

Chúng ta càng có lý do để nêu những câu hỏi đó, vì những con số mà tác giả của chúng, Trần Đại Sỹ và những người li khai ở trong nước, nêu lên không phù hợp với thực tế. Cá nhân ông Trần Đại Sỹ không quan trọng. Điểm quan trọng là những phát biểu của ông ta. Như tôi có chỉ ra trong bài viết, một số "claims" của ông ta về tình hình biên giới, nghiên cứu di truyền học, về phát minh cây phản phì, về đào tạo bác sĩ, về chức danh giáo sư trường ARMA, v.v… không đúng với thực tế, hay không phù hợp, thậm chí phi lí. Vì thế, chúng ta có quyền đặt một câu hỏi về sự chính xác của những phát biểu của Trần Đại Sỹ. Mà cũng không phải chỉ riêng với trường hợp của Trần Đại Sỹ, tất cả những phát biểu của bất cứ ai không kèm theo sự thật (facts) hay tài liệu tham khảo thì chúng ta có quyền đặt nghi vấn, và tìm hiểu thêm.

Đặt vấn đề như thế không phải là bênh vực nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, hay chống lại phong trào và phản ứng của đồng hương ở hải ngoại. Một suy luận như thế là đơn giản hóa vấn đề. Nhà cầm quyền VN chắc chắn không cần một người vô danh tiểu tốt như tôi bênh vực, vì họ nắm cả một hệ thống truyền thông trong tay. Hùng khí của các hồi đoàn ngoài này cũng chẳng giảm đi vì, hay quan tâm đến, ý kiến của một người thấp cổ bé họng như tôi.

Chúng ta là những người làm khoa học. Mà làm khoa học thì phải dựa vào lí trí một phần lớn. Tất nhiên cảm tính cũng đóng một vai trò, nhưng thiết nghĩ trong khoa học chúng ta không để cảm tính xâm lấn phán xét. Phán xét cần phải có dữ kiện, sự thật. Bây giờ chúng ta chưa có dữ kiện gì cụ thể để trả lời những vấn đề trên, thì thiết nghĩ chúng ta không nên phát biểu một cách khẳng định.

Đặt vấn đề để chúng ta cùng đi tìm sự thật. Nguyễn Gia Kiểng đặt lại vấn đề Nguyễn Huệ không có nghĩa là ông ta bênh triều Nguyễn, mà là một cách mở ra một đề tài để thảo luận. Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy giới chính khách phi lí trí (như Hitler chẳng hạn) có thể làm cho một dân tộc lao vào những cuộc tranh chấp dựa trên lý trí, như đi xâm lấn đất đai người khác. Chúng ta có muốn xách động công chúng đi theo một phong trào chống Trung Quốc trong khi chưa có đầy đủ bằng chứng và lý do hay không?

Tôi nghĩ cần phải nén lại những tình cảm, những thù hận cộng sản để tìm hiểu sự thật. Không thể lấy những cụm từ "mì ăn liền" về cộng sản gian dối, cộng sản ngu si, cộng sản hèn mạt, cộng sản dốt ... để thuyết phục người đọc được, nếu không muốn nói là phản tác dụng. (Nếu quả thật người cộng sản gian manh, dốt, hèn … như Bs Tích viết thì chúng ta càng phải xem lại chính chúng ta tài giỏi hay gian manh cỡ nào mà lại thua những kẻ như thế, để giờ này chúng ta ở đây để chửi rủa chúng.) Vì thế, khi đặt vấn đề tôi không phân biệt dữ kiện đến từ người cộng sản hay người không cộng sản. Những gì ông Lê Công Phụng nói rõ ràng, tôi cho rằng ông nói rõ ràng; những gì ông Phụng nói mù mờ, lúng túng, tôi cũng nhận xét y như thế.

Chẳng lẽ nhận xét như thế là "vẹm" hay sao? Nhận xét như thế là làm lợi cho cộng sản hay sao? Thật ra, nếu có một người làm lợi cho cộng sản, thì người đó chắc chắn không phải là tôi, mà là Bs Trần Văn Tích. Tại sao? Tại vì cộng sản sẽ rất vui mừng đọc được những câu văn trong thư của Bs Tích, vì họ thấy ở trong những câu phát biểu đó hàm chứa những thứ lý giải thô sơ mà họ rất mong được nhìn thấy từ những người chống lại họ. Họ sẽ cảm thấy yên tâm.

Bây giờ tôi xin bàn qua từng điểm liên quan đến tôi trong lá thư của Bs Tích:

1. Tôi không nghĩ là mình phi lí. Tôi có nói làm sao tôi biết Trần Văn Tích trên internet là thật hay giả, và tôi vẫn giữ lời phát biểu đó. Nhưng tôi biết Bs Trần Văn Tích qua một vài bài viết liên quan đến văn học, và hai chữ "nổi tiếng" là đề cập đến trường hợp này. Tôi cũng có thể nghi ngờ chứ: một Trần Văn Tích trả lời tôi với những lời lẽ thiếu lịch sự cực kỳ khác với một Trần Văn Tích rất văn hóa trên sách vở văn học.

2. Thì ra Bs Tích dựa vào số lượng bài vở và danh của người viết để đánh giá một con người. Nhưng tôi thấy đó là một suy nghĩ, một cách đánh giá rất nguy hiểm, bởi vì nó biểu hiện một thái độ phục tùng trước danh xưng. Nó còn biểu hiện một cách suy nghĩ phi khoa học. Tại sao tôi phải tin vào những người nổi tiếng? Tại sao tôi không có quyền chất vấn họ?

Đối với Bs Tích, cái tên Bàn Tân Định nó như "từ trên trời rơi xuống". Có lẽ nhận xét đó đúng, nhưng đó chỉ là đối với Bs Tích và một số người. Tương tự, một người ít quan tâm đến thời sự cũng có thể nói "cái tên Ngô Nhân Dụng và Tú Gàn như từ trên trời rơi xuống," và nó chỉ đúng với một số người. Rồi cũng cách nói đó, trong giới nghiên cứu về di truyền học, người ta cũng có thể nói "Cái tên Trần Văn Tích là vô danh tiểu tốt". Nhưng vấn đề không phải ở câu hỏi Bàn Tân Định hay Trần Văn Tích là ai, hay Ngô Nhân Dụng đến từ đâu, hay Tú Gàn là người như thế nào. Vấn đề là phát biểu của họ có đúng, có một cơ sở nào để người ta tin cậy hay không.

3. Thì tôi có nói là chữ "Vẹm" không có trong từ điển đâu! Tôi lật từ điển Tiếng Việt và họ giải thích như thế. Rõ ràng Bs Tích muốn đồng hóa tôi với loài trai biển. Và đó là một thái độ không nghiêm túc trong khi thảo luận.

4. Xin cám ơn Bs Tích đã khai sáng cho tôi chữ "Stomatologistes" và "dentistes". Vậy sẵn đây Bs dịch dùm cho tôi và bà con không rành tiếng Pháp cái luận án "Contribution à la bio-bibliographie de quelques Stomatologistes et dentistes frans" ra tiếng Việt luôn, xem nó có phù hợp với một người tốt nghiệp medicine hay dentistry?

5. Bs Tích viết "Ngôn ngữ là công cụ mà con người là chủ nhân" và "Vận dụng ngôn ngữ thích đáng cũng là một khía cạnh của văn hóa", rồi lấy những ví dụ trong văn học mà tác giả dùng tiếng chửi thề, tục tiễu ... ra minh hoạ cho quan điểm đó. Tôi thấy cách so sánh này sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm là vì ngôn ngữ văn học khác với ngôn ngữ trong thảo luận. Anh không thể "đéo mẹ" người đối thoại trong một thảo luận nghiêm túc; anh không nên mắng vào mặt người đối diện là "vẹm" trong khi anh chưa biết người ta là ai, bởi vì làm như thế thì nó chỉ biểu hiện thái độ vô giáo dục của người nói mà thôi.

Tôi cực kỳ kinh ngạc khi Bs Tích cho rằng tổ tiên ta từng mắng chửi người ta như thế và đó là văn hóa! ("To^? tie^n tu+`ng la`m va^.y, loa`i ngu+o+`i tu+`ng la`m va^.y. Va` d-o' chi'nh la` co' va(n hoa'.") Nếu quả thật đó là đặc tính văn hóa của người Việt chúng ta thì văn hóa đó quả rất thấp kém, và cần phải thay đổi. Nhưng câu hỏi được đặt ra là tại sao tôi phải đi theo cái đường mòn chửi đổng đó? Bộ bất cứ cái gì tiền nhân làm là tôi phải tuân thủ theo, làm y chang như thế hay sao? Làm như thế thì chẳng khác gì tôi từ chối, không cho cái bộ não của tôi có một cơ hội làm việc!

6. Bs Tích nói rằng ông không nhắm vào cá nhân, và tôi cũng cố gắng tin như thế. Nhưng rất tiếc, thực tế thì lại khác hẳn. Trong thư trước, ông chụp mũ tôi nào là cộng sản, đồng hóa tôi với loài "vẹm" ... Quả Bs Tích nhận xét cực kỳ đúng: "hành trang ngôn ngữ" của tôi quả rất xa với Bs Tích.

Tôi muốn Bs. Trần Văn Tích cho tôi biết:

  1. Bằng chứng nào để ông kết luận tôi là đảng viên của Đảng cộng sản?

  2. Bằng chứng nào để ông cho rằng bài viết của tôi "không phải của một cá nhân. Nó góp nhặt tri thức của một nhóm sai nha Bắc Bộ phủ."

  3. Tôi đã dùng disinformation chỗ nào trong bài viết của tôi?

Tôi rất chờ sự trả lời của Bs Tích. Nếu Bs Tích không có bằng chứng cho sự chụp mũ của ông, ông vẫn còn nợ tôi ít nhất là một lời xin lỗi.

Tôi nghĩ trong một diễn đàn toàn những người học cao, hiểu rộng như VMA, thì Bs Tích cần phải tỏ thái độ của một người có giáo dục và nhất là tôn trọng người đối thoại, bất cứ người đó là cộng sản hay không cộng sản. Không nên tìm mọi cách dìm người đối thoại bằng những ngôn từ cảm tính, đê hèn của giới du côn, hay bằng những xuyên tạc vô căn cớ.

7. Tôi đề nghị Bs Tích không nên đi ra ngoài vấn đề đang bàn thảo. Tôi đặt vấn đề về dữ kiện biên giới Việt – Trung. Ở đây, tôi không muốn bàn về Hồ Chí Minh hay Đảng Cộng sản Việt Nam đã lũng đoạn thông tin như thế nào, vì nó chẳng có liên hệ gì đến vấn đề đang bàn. Khi nào cần thiết thì ta có thể quay lại đề tài này. Nếu Bs Tích có ý gì mới, hay có thông tin gì mới thì ta bàn tiếp, còn nếu không thì xin dừng lại ở đây. Không nên mất thì giờ cho những điều không liên quan.

8. Kế nữa, tôi đề nghị Bs Tích cũng nên tôn trọng văn hóa thảo luận. Theo tôi, một cuộc thảo luận có văn hoá, điều tối kỵ nhất là những ngụy biện. Tôi biết chắc là phần lớn các anh chị trong diễn đàn này đều biết qua những loại ngụy biện này, nên không cần phải nói thêm làm gì. Tuy nhiên, tưởng nên nhắc lại những cái tên của chúng để chúng ta cùng ôn lại. Những ngụy biện cần tránh là:

  1. công kích cá nhân người đối thoại;
  2. dựa vào quyền lực nặc danh;
  3. đơn giản hóa vấn đề hay false dilemma (theo kiểu "hoặc là anh theo tôi hay chống tôi");
  4. dựa vào cảm tính (appeal to emotion);
  5. dựa vào đám đông (appeal to popularity);
  6. Prejudicial language;
  7. khái quát hóa phi lí;
  8. luận điệu cá trích;
  9. kết luận không dựa vào facts;
  10. vân vân …

9. Nếu Bác sĩ Trần Văn Tích không chịu tuân theo, hay chưa tham khảo qua, văn hóa thảo luận và logic học, thì tôi nghĩ chúng ta nên dừng cuộc trao đổi ở đây, vì nếu không thì cuộc trao đổi sẽ biến thành một trò chơi chửi lộn mà trong đó Bs Tích vung vít ném liệng chữ nghĩa làm phiền lòng các thành viên. Riêng tôi thì lại càng không muốn hao tốn thì giờ cho những trao đổi mà tôi phải nói là thiếu văn hóa như thế.

10. Xin cám ơn các anh chị trong diễn đàn đã theo dõi và cho tôi cơ hội trả lời Bs Tích.

Bàn Tân Định

 

Home  | Go to top


© Bài viết cho mục này, xin gởi attachment về email: hoa63@hotmail.com

. ..........